Thế hệ mới nhất không còn quá tin tưởng vào quảng cáo chất lượng hay sự chứng thực của người nổi tiếng, mà lại quan tâm hơn đến những người làm content và các nội dung gợi cảm hứng sáng tạo.
Những người trẻ thuộc thế hệ Alpha, tuy còn lâu mới trở thành người tiêu dùng độc lập, nhưng đã thể hiện sự am hiểu sâu sắc hơn về các thương hiệu so với các thế hệ trước đó. Gen Alpha cũng có cái nhìn tỉnh táo hơn về “người của công chúng”. Các bạn trẻ không còn quá quan tâm đến những thần tượng nổi tiếng hay các ngôi sao thể thao, và đặc biệt không mấy thiện cảm với “Những người trên TV” – được xếp trong top 3 nhóm người ít đáng tin nhất được bầu chọn bởi Gen Alpha. Thay vào đó, Gen Alpha xem trọng những người làm công việc sáng tạo nội dung, và bị thu hút bởi những nội dung kết hợp giáo dục và giải trí.
Như vậy có nghĩa là, những chiến lược tiếp thị từng “lấy lòng” được Gen Z và thế hệ Millenials có thể sẽ không còn gây ấn tượng với Gen Alpha. Theo khảo sát, đôi khi các biện pháp scale quảng cáo sẽ bị Gen Alpha xem là sự thiếu chân thực của thương hiệu: chỉ 14% bạn trẻ thế hệ này chọn thương hiệu yêu thích dựa trên sự chứng thực của người nổi tiếng, và chỉ 20% ấn tượng với thương hiệu vì công ty đó sản xuất “những quảng cáo cực kì hay”.
Khi xếp hạng các thương hiệu ưa thích, Gen Alpha hướng đến các công ty công nghệ và “những nội dung truyền cảm hứng và sáng tạo”, theo Razorfish. Các công ty Apple, Samsung và Lego nằm trong top 5. Danh sách này trái ngược với lựa chọn của Gen Z từ năm 2012, thiên về các thương hiệu đồ ăn nhẹ như M&M’s, Oreos và Doritos.
Thoạt nhìn thì nhiều người sẽ ngạc nhiên với lựa chọn của Gen Alpha. Thế hệ này vốn nổi tiếng là được tiếp xúc với công nghệ sớm nhất, với 62% phụ huynh cho biết con mình dành nhiều thời gian trên mạng xã hội hơn so với khi họ ở cùng độ tuổi ấy. Ở tuổi 13, Gen Alpha đã sở hữu số lượng thiết bị công nghệ ngang bằng người lớn, với 90% bạn trẻ đã sở hữu điện thoại thông minh. Khi lướt internet, 58% Gen Alpha tìm kiếm thông tin về các thương hiệu, và cũng có tỷ lệ gần tương tự (56%) các bạn trẻ tìm kiếm sản phẩm công nghệ.
Nhưng điều đó không làm giảm sự tương tác ngoài đời thực của Gen Alpha, vì 62% cha mẹ tin rằng con mình giao tiếp xã hội rộng hơn so với khi họ cùng tuổi với con. Đối với Gen Z cũng vậy; cách phổ biến thứ nhì mà Gen Z khám phá các thương hiệu mới là thông qua tương tác trực tiếp ở những nơi như cửa hàng và trung tâm thương mại.
Các video hướng dẫn, mẹo vặt và tự làm là một số thể loại nội dung phổ biến nhất với Gen Alpha, tập trung vào ý thức tự lực và giải quyết vấn đề. Nhận thức của bậc cha mẹ về các thiết bị điện tử cũng đang thay đổi: Mặc dù một số người đã dính phải “cú sốc công nghệ”, vẫn có đến hai phần ba cha mẹ tin rằng con họ là người có tư duy độc lập hơn so với độ tuổi của chúng, và 61% xem công nghệ hiện đại là động lực thúc đẩy hiệu quả học tập. Trí tuệ nhân tạo như ChatGPT đã trở thành phương tiện học tập được Gen Alpha ưa thích ở vị trí thứ 4 chỉ sau giáo viên, thể hiện mong muốn có câu trả lời nhanh chóng. AI và ChatGPT đã đánh bại sách chữ trên mặt trận này, một dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng xóa mù chữ hiện tại ở Hoa Kỳ có thể kéo dài .
“Các bạn trẻ hiện nay thích những mẹo nhanh, cách “đi đường tắt” và những thông tin chi tiết có thể áp dụng thực tế”, Razorfish báo cáo về Gen Alpha. “Các nhà tiếp thị cần nhận ra tư duy này và đảm bảo việc phổ biến thương hiệu được truyền tải thông qua nội dung thực tế, ngắn gọn, thu hút sự chú ý và đáp ứng nhu cầu về các kiến thức nhanh chóng, hữu ích của Gen Alpha”.
Sự tò mò, ưa trải nghiệm đã giúp Gen Alpha có số lượng sở thích lâu dài và được xác định rõ ràng nhiều gấp đôi so với Gen Z. Gen Alpha cũng tiếp nối Gen Z trong sự hứng thú với game điện tử và các trải nghiệm mô phỏng game. Trong bảng đánh giá trải nghiệm thương hiệu yêu thích nhất, 53% Gen Alpha nhắc đến những trò chơi và ứng dụng có dạy các kỹ năng giúp ích cho cuộc sống.
Nguồn: marketingdive.com